Xưa nay xứ cù lao huyện Phú Tân, An Giang được mệnh danh là “vùng đất Phật” của miền Tây. Dân vùng này 10 nhà đã có 9 nhà ăn chay quanh năm.
Đặc biệt, vào các dịp lễ lớn của dân xứ đạo, lễ Vu lan, tháng giêng, người dân ăn chay có khi kéo dài cả tháng. Nhiều nơi còn mở bếp nấu cơm tặng bà con về dự lễ, viếng chùa theo lệ.
Cách Phú Tân không xa là vùng Bảy Núi, huyện Tịnh Biên, đến đây du khách dễ dàng thấy từng đoàn áo lam, áo chàm đi một hàng dài 20 – 30 người hành hương quanh các ngọn núi, chắc chắn họ ăn chay.
Thậm chí trong túi xách lúc nào cũng có keo chao, keo muối tiêu, bịch dưa mắm…, đi tới đâu đói bụng giở ra ăn ngay chỗ đó. Khách hành hương có cả cụ ông, cụ bà tuổi ngoài 70, thân hình gầy gò, vậy mà họ leo núi Cấm (ngọn núi cao nhất trong Bảy Núi) khỏe re.
Đâu chỉ có vậy, ngày nay người dân miền Tây quê tôi từ công chức đến sinh viên, người lao động, người già, người trẻ… thích ăn chay cho thanh đạm, vì ngán thịt cá, để ăn được nhiều rau xanh hơn.
Ăn chay thành xu hướng “xanh hóa” bữa cơm trưa văn phòng nhạt nhẽo của mình vốn chỉ có vài miếng cá, vài lát thịt, mấy cọng rau cho qua bữa.
Mọi người bắt đầu quan tâm đến sức khỏe của mình hơn, với đĩa cơm trưa chất lượng đầy rau và “full toping”.
Vì thế những quán chay tự chọn mọc lên nhiều, khách chen chân cũng đông, nhất là giờ cao điểm tan tầm ban trưa 11h và chiều 17h. Vào dịp đặc biệt, khách ăn nhộn nhịp đông đúc cả ngày lẫn đêm.
Không đâu xa, trung tâm TP Long Xuyên có nhiều quán buffet chay tự chọn thực đơn lên đến 20 món gồm mặn, chiên, xào, luộc, canh, mắm… hội tụ nhìn thôi đã thèm.
Chưa kể thực khách muốn ăn bao nhiêu tùy ý chọn xếp lên đĩa, miễn rằng ăn hết, nếu để thừa đồ ăn phải trả “tiền phạt” gấp 3 lần.
Một đĩa cơm chay tự chọn có giá dao động 17.000 – 20.000 đồng, mỗi năm tăng giá 1.000 đồng, chứ không tăng giá theo thời điểm. Tầm 9h sáng, quán đã lên món trong các khay đầy đặn, kể sơ sơ có món luộc, chiên, xào, kho.
Trong món luộc có 5-7 loại rau như: cải thìa, đọt bầu, đọt lang, bắp cải thảo, cải xoong, dưa leo, đậu bắp. Món xào có: cà tím, ngó sen, đậu đũa, nấm rơm, bắp non, củ cải. Món chiên gồm: sườn non, tàu hũ, dồi trường, cá cơm…
Nước chấm và món mặn cũng có đủ cả dưa mắm trộn tỏi ớt, tương đậu nành và mắm tương được chế biến lại vừa vị, thơm sả ớt. Món canh được thay đổi theo ngày từ các loại rau củ như: bí đỏ, mướp, bầu, bồ ngót, mồng tơi…
Kinh nghiệm của người ăn chay thường xuyên phải ăn lượng chất xơ nhiều hơn để no lâu hơn, món chiên xào mỗi thứ một ít, món mặn giúp kích thích vị giác.
Khi lần đầu đi ăn cơm chay tự chọn, một số người sẽ hơi “choáng” vì nhìn thấy ai ai cũng chất đầy đĩa to với hàng chục topping. Nhìn đĩa cơm vun cao lên như ngọn núi đầy ắp rau phát thèm.
Cũng là cơm chay mà hơi là lạ so với đĩa cơm chay mọi người thường ăn vội trên đường xa, hay lúc đang cheo leo trên đỉnh núi Cấm, chỉ thấy đĩa cơm trắng nhạt cùng hai miếng tàu hũ chiên cộng với mấy miếng cải muối (mặn muốn bệnh)… Ăn kiểu “có chi dùng nấy”.
Ăn chay để cho nhẹ dạ hay ăn chay vì… thèm rau. Sao cũng được, miễn là mỗi bữa sáng trưa chiều tối, ai cũng hào hứng với đĩa cơm mình tự chọn bày ra trước mặt và thảnh thơi ngồi gắp cả “núi” rau xanh để vào miệng ngon lành, vừa bụng.